Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
Trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất phương án giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện cho người lao động hưởng lương hưu. Xung quanh đề xuất này đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Theo ông Phạm Minh Huân- nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, lương hưu cũng hiểu là cân bằng mức đóng – hưởng. “Việc có thể nhận lương hưu sau 10 năm đóng bảo hiểm xã hội là có thể nhưng mức lương nhận được sẽ rất thấp. Người đóng thấp vẫn nên cho hưởng lương hưu, dù thấp, thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì trả 1 cục họ sẽ tiêu hết, sau này cuộc sống bấp bênh” – ông Phạm Minh Huân, bày tỏ.
Có nên rút ngắn năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu? – Ảnh 1.
Ủng hộ đề xuất này, bạn đọc Công Thái cho rằng lương hưu là cân bằng mức đóng hưởng. Việc có thể nhận lương hưu sau 10 năm đóng bảo hiểm xã hội là có thể được, dù mức lương nhận được thấp. “Dù thấp, nhưng khi già người lao động vẫn có 1 khoản chi tiêu thay vì hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì trả 1 cục họ sẽ tiêu hết, sau này cuộc sống bấp bênh” – bạn Công Thái chia sẻ. Đồng quan điểm, bạn đọc Trần Văn Bảy nói nên thông qua sớm để những người có sức khoẻ không tốt được hưởng lương hưu.
Trong khi đó, bạn đọc Cao Văn Tuyến, góp ý: “Theo tôi nên giữ nguyên quy định cũ, tức là đóng đủ 15 năm thì hưởng 20%, như vậy những người tham gia được 15 năm đã đến tuổi nghỉ hưu cũng được hưởng một khoản tiền lương ở mức lương tối thiểu để sống, còn hơn là để họ rút một lần vì mức hưởng quá thấp nhà nước vẫn phải có chính sách hỗ trợ thêm”.
Ở một góc nhìn khác, bạn đọc Sonha đặt vấn để: “Đòi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống để hướng lương hưu, đến khí thấy lương hưu thấp lại kêu lương hưu thấp và đòi hỗ trợ. Theo tôi cứ giữ 20 làm việc liên tục trở lên mới được hướng lương hưu để người lao động phấn đấu và chăm chỉ làm việc, không nhảy việc linh tinh”.
Tương tự, bạn đọc tên Giang góp ý: ” 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và 50 tuổi với nữ, 55 tuổi với nam là hợp lý nhất, không nên thay đổi”. Riêng bạn đọc Trần Thị Thu Hà, bày tỏ: “Sao không giảm số tuổi để người lao động mặn mòi với việc hưởng lương hưu?”. Còn bạn đọc 2lua thì cho rằng giảm năm đóng nhưng tuổi làm việc thì tăng. Hy vọng lĩnh lương hưu vẫn mong manh.
Góp ý hoàn thiện chính sách, bạn đọc Nguyễn Quyết Thắng đề xuất nên nên tách bạch bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ra khỏi khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc. “Tùy theo nhu cầu người lao động có muốn đóng gộp 4 loại bảo hiểm đó hay không, cho người lao động tùy chọn đóng mấy loại bảo hiểm trong 4 loại bảo hiểm đó. Không thể ép buộc bảo hiểm xã hội phải cõng thêm 3 loại bảo hiểm kia” – bạn đọc Nguyễn Quyết Thắng viết.
Dự kiến, chỉ cần đóng bảo hiểm xã hội 15 năm là được hưởng lương hưu
Theo dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí.
Cụ thể, đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hộithấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hộiđể có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm. Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu. Nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội (tầng bảo hiểm xã hội phổ quát) do Ngân sách nhà nước đảm bảo.
Dự thảo cũng đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận BHXH một lần thì mức hưởng thấp hơn.