Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và tương lai nợ xấu tăng đột biến.
Hiệp hội Ngân hàng vừa có công văn tham gia ý kiến đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Theo đó, Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật.
“Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến, từ đó đề nghị Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” – đại diện Hiệp hội Ngân hàng cho biết.
Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào Nghị quyết chung của Chính phủ để ban hành Thông tư liên quan đến các khoản nợ tiềm ẩn nợ xấu trong tương lai, thực chất là nợ dưới chuẩn nhưng không bị phân loại nhóm nợ cao hơn thì nên quy định mang tính an toàn hệ thống (loại dự thu, trích dự phòng rủi ro 3 năm), còn lại các nội dung khác để các tổ chức tín dụng tự quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật vì không ai hiểu khách hàng bằng chính tổ chức tín dụng.
Nếu ban hành chi tiết sau này xảy ra nợ xấu toàn hệ thống thì việc ban hành chi tiết trong Thông tư không có lợi cho cơ quan ban hành chính sách vì không phải lỗi chủ quan của tổ chức tín dụng (do dịch bệnh), do đó, Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng Thông tư nhằm quản lý mang tính an toàn hệ thống theo Luật Ngân hàng Nhà nước, còn lại để tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm theo các Luật: tổ chức tín dụng, dân sự, doanh nghiệp… (chắc chắn trong tương lai nợ xấu sẽ tăng rất cao, các tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn kể cả khó khăn về thanh khoản…).
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc áp dụng cả 3 Thông tư với nội dung cơ cấu nợ do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ có nhiều bất cập, khó khăn và có thể gây ra rủi ro pháp lý cho các chủ thể tham gia vào quá trình cơ cấu nợ. Vì vậy, khi sửa đổi thông tư cần ngắn gọn, dễ hiểu, chỉ sửa nội dung chính, còn các nội dung khác không nên thay đổi hoặc chép lại nội dung Thông tư cũ, các nội dung khác theo nguyên tắc của Thông tư trước.